Kinh nghiệm đi thi TOEIC đây
Vậy là bây h chỉ còn ngồi nhà chờ 1 tuần sau đến lấy bằng TOEIC. Bình thường đi thi thì cũng không có gì để kể, nhưng thi TOEIC ở đây quả có nhiều điều lý thú. Vì vậy, ngoài thông tin về kỳ thi TOEIC ở entry trước, tớ quyết định viết entry “bổ sung” này với tính chất “chỉ dẫn” cho các bạn sắp đi thi hoặc có ý định đi thi để các bạn đỡ mất sức “ngỡ ngàng”. Và cũng vì thế, tớ ghi tiêu đề bài viết là “kinh nghiệm ĐI thi” chứ không phải là “kinh nghiệm thi”.
Trước hết phải nói là đây đúng là 1 kỳ thi mang tính quốc tế, chưa xét về nội dung nhưng hình thức thì đúng vậy. Trước ngày hôm nay, kỳ thi “xịn” nhất mà tớ từng tham gia có lẽ là kỳ thi năng lực tiếng Nhật JLPT (Japanese-language proficiency test). Nhưng có vẻ Nhật tổ chức cũng chưa được đàng hoàng tử tế như Mỹ. Lý do thì tớ đoán chủ yếu nằm ở lệ phí thi của nó. JPLT chỉ mất có 100k, còn TOEIC mất đến gần 500k. Nhưng dù sao cũng xứng đáng bỏ ra từng đấy tiền để thử thi kiểu này một lần cho biết.
Kinh nghiệm đầu tiên cho các bạn là đừng đến “quá” sớm. Vì cái chỗ đứng đợi không gian có hạn mà người thi thì đông, nên kết quả tất yếu là nhiều người phải ra ngoài sân đứng đợi nếu không muốn đứng chình ình giữa phòng ở tầng 1 (và 1 quy luật hiển nhiên là mọi người ngồi quanh phòng sẽ nhìn chằm chằm vào bạn). 8h30 là đúng 8h30 bắt đầu có người gọi tên lên phòng thi. Tầm 8h20 có mặt là ổn.
Nếu hôm bạn đến đăng ký thấy chỗ vỉa hè chật hẹp thì cũng đừng lo, vì hôm thi sẽ có một chỗ để xe tạm thời được huy động để phục vụ thí sinh ngay ở góc phố ngay bên cạnh. Và đến bây h tớ vẫn băn khoăn chưa hiểu tại sao trong 483k lệ phí thi lại chưa bao gồm 2k tiền gửi xe. Có lẽ do 1 cái mà kinh tế vẫn gọi là “rủi ro tỷ giá”.
Đến đúng 8h30, sẽ có 1 chị giám thị mặc đồng phục đứng ở chân cầu thang tầng 1 gọi tên các thí sinh lên phòng thi. Trước đấy, bạn sẽ được hướng dẫn là không được mang tư trang … vào phòng thi. Và đúng là chị này không nói đùa. Ngoài CMND, thẻ dự thi, bạn đừng nên có ý định mang thêm cái gì vào, dù là bút chì, tẩy hay di động. Có một tủ gửi đồ ngay ở phía bên phải, vì thế nếu các bạn mang nhiều đồ linh tinh, tớ khuyên các bạn nên nhanh chân chạy vào chiếm 1 tủ trước khi những thí sinh khác kịp nhận ra có tủ gửi đồ. Tớ cũng đã rất nhanh chân và chiếm nguyên 1 khoang tủ chỉ cho một mình cái di động của tớ.
Sau khi được gọi đến tên, bạn sẽ đưa CMND và thẻ dự thi cho giám thị đấy để kiểm tra “nhận dạng”. Chị ý sẽ soi từ ảnh trên thẻ dự thi sang ảnh trên CMND rồi sang mặt bạn. Xong một lượt, chị ý … lại tiến hành soi lượt 2. Và nhìn cái cách chị ý soi thì tớ đoán mọi dấu hiệu nhận dạng trên CMND của bạn (như nốt ruồi, sẹo…) sẽ không được bỏ qua. Bạn nào lỡ tẩy nốt ruồi rồi thì khéo khi xem xét việc dùng mực chấm tạm vào . Kỳ thi này có lẽ là thủ tục cần dùng CMND nhiều lần nhất mà tớ từng tham gia. Có lẽ CMND của bạn sẽ được soi đến gần 5 lần. Một lời khuyên nữa ở đây là bạn nên đánh răng thật sạch buổi sáng trước khi thi để nụ cười thêm tươi.
Sau khi kiểm tra lần 1 ở tầng 1 xong, bạn lên tầng 2 để kiểm tra … lần 2. Điều ngạc nhiên lớn nhất suốt từ sáng đến h xuất hiện ở đây khi có 1 giám thị thứ 2 cầm cái máy kiểm tra đồ kim loại đứng chờ với nụ cười đon đả . Và một lần nữa tớ khuyên các bạn vứt hết các đồ linh tinh ở nhà, hoặc nếu vẫn còn chìa khóa.. trên người thì cầm hết ra ở tay, vì sau đấy bạn sẽ phải dang tay ra cho chị ý “dò”. Và thật xấu hổ là cái máy đấy kêu lên 4 lần vì tớ có:
- Cái khóa kéo bằng kim loại ở áo khoác
- Đồng hồ đeo tay ở túi ngực áo khoác
- Ví ở túi quần sau
- Chìa khóa xe và chìa khóa nhà ở túi trái quần.
Vậy tổng kết ở đoạn này: bạn không cần mang bút, tẩy, đồng hồ hay gì hết vì họ đã có sẵn cho bạn: bút chì của trung tâm (trông còn kém xịn hơn cái bút 2B mua ở ngoài, chỉ có điều nó có đủ các loại logo TOEIC, TOEFL…), tẩy (có lẽ để tiết kiệm nên tẩy được gắn ngay ở đuôi bút, hay nói cách thông thường là cái mẩu tẩy ở đít của bút chì). Tốt nhất là cho vào túi rồi gửi ở tủ hoặc nếu có người đèo thì nhờ họ cầm cho.
Sau khi “vượt qua” vòng 2 ở tầng 2, theo chỉ dẫn bạn lại lên tầng 3 để … kiểm tra lần 3. 2 chị giám thị nữa đứng ở cửa phòng thi. Cũng lại soi tên, CMND, mặt mũi. Vậy là bạn sẽ phải dùng đến nụ cười không dưới 2 lần đâu, cũng đáng để đánh răng rửa mặt cho kỹ.
Phòng thi cũng nhỏ nhỏ, tầm 30 người (tùy vào đăng ký) mỗi người được cho vào 1 cái hộp (bạn nào dùng phòng lab học ngoại ngữ thì biết rồi đấy, mỗi bàn được ngăn cách bằng mấy tấm gỗ, trông như cái hộp ấy). Ài, tin buồn là không có headphone riêng, mà các bạn sẽ nghe bằng loa chung treo trên tưởng, nhưng cũng ko lo vì âm thanh nghe cũng ổn. Và đúng là nên nghe loa ngoài, vì đeo headphone suốt 45 phút thì đầu có mà nổ mất.
Ở trên bàn mỗi thí sinh là 1 cái bút chì (nhấn mạnh lần nữa là có tẩy) và 2 tờ giấy. Xin nhắc nhở là các bạn đừng táy máy ghi gì vội, đừng như tớ miệt mài ghi vào cái tờ questionaire rồi lúc sau lại miệt mài tẩy đi vì … không phải đánh dấu vào đấy.
Sau khi thí sinh vào phòng hết, tất cả các giám thị sẽ “ùa” vào phòng. Các chị này mặc đồng phục gọn gàng, đeo bảng tên và hầu hết là buộc tóc đằng sau. Chi tiết này làm tớ nhớ lại hồi đi làm ở nhà hàng Nhật, tất cả nhân viên (kể cả con trai) phải dùng khăn buộc tóc lại để đề phòng tóc rơi vào thức ăn.
Dù sao, các chị ý sẽ đóng cửa lại, và bạn nào trót uống nước nhiều hay ăn đồ ăn nhiều nước buổi sáng (phở?) thì nên lên lịch “điều hòa dòng chảy”, vì bạn sẽ phải ngồi trong căn phòng kín mít đấy suốt gần 2 tiếng 45 phút, mà mỗi lần có ai đứng lên là cả phòng + 5 giám thị sẽ nhìn chằm chằm như thể chờ bạn lên tiếng … xin đi vệ sinh.
Sau đó, 1 chị sẽ đứng ở giữa phòng và bắt đầu lên tiếng giới thiệu về kỳ thi như 1 cái máy được thu âm. Người duy nhất đánh bại được chị này tớ đoán là chị bán hamburger ở Lotteria mà một lần tớ đi (“chào mừng quý khách”, “quý khách chọn j ạ”, “quý khách chọn bánh số 4”, “quý khách đưa 50 nghìn”, “trả lại quý khách … nghìn” …). Bạn sẽ được hướng dẫn tỉ mỉ về cách điền phiếu thông tin, và sau khi điền xong, các giám thị sẽ đi lần lượt từng bàn để kiểm tra lại cho bạn, cộng thêm đối chiếu với CMND một lần nữa. Và 1 kinh nghiệm nữa cho bạn: tớ đc 1 chị nhắc là khi đánh dấu các ô tròn thì nên đưa đầu bút chì theo hình vòng tròn tô cái ô đấy, thay vì đưa đầu bút lên xuống theo kiểu các nét thẳng.
Sau khi kiểm tra kỹ càng, bạn sẽ được nhắc viết một câu “cam kết” theo mẫu đã được in sẵn trên tờ giấy thi và ký tên. (Hết kiểm tra kim loại lại đến cam kết cơ đấy)
À, trước đấy bạn sẽ được cảnh cáo không được vi phạm nội quy, ko được nói chuyện… và một số “điều lệ” mà lần đầu tiên tớ được nghe tới trong 1 kỳ thi như “tờ bài làm phải để chính giữa, không được để sang bên trái, không được để sang bên phải”, “tờ bài làm phải đặt dưới quyển đề thi”, “không được nhấc tờ bài làm lên khỏi mặt bàn”… Và bạn cũng sẽ được chú ý luôn là có camera thu hình buổi thi đề phòng có gian lận. Đến bây h bạn thấy nụ cười đẹp có tác dụng to lớn thế nào khi đi thi TOEIC chưa? Chỉ hơi tiếc cho tớ là tớ ngồi ở góc dưới bên phải phòng, mà căn phòng này nó lại hõm lại ở phía trên bên phải (cho dễ hình dung này: có 6 bức tường, hình dạng như khẩu súng ấy, tớ ngồi ở “báng súng”, phía dưới “cò”, còn camera ở “nòng súng”) nên có lẽ tớ sẽ ko có mặt nhiều trong băng ghi hình . Vi phạm nhẹ thì bị cấm thi 2 năm, còn nặng thì bị cấm thi cả đời trên lãnh thổ VN.
Xong xuôi hết thủ tục (kéo dài gần 30 phút), bạn sẽ được phát quyển đề thi. Gọi là quyển cũng đúng, vì nó có gần 50 trang, và format của nó y hệt như đề thi mẫu in ở trong quyển Developing Skills for the TOEIC test (nằm trong bộ 4 quyển luyện TOEIC mới). Có một cái niêm phong ở quyển đề thi, và sau khi được nghe thử băng, ghi giờ thi lên bảng, bạn sẽ được nhận một câu hướng dẫn được phát ra chỉ trong tầm 1,5 giây : “Bắt đầu tính giờ. Anh, chị nhét bút chì vào bên trong quyển đề và giật thật mạnh niêm phong. Chúc anh chị làm bài thi tốt”.
Ấn tượng đầu tiên khi mở đề của tớ là : “quyển đề thi này thì chưa xịn bằng quyển đề thi JLPT”.
Bài làm có 7 phần, như format TOEIC cũ. 4 phần nghe và 3 phần đọc, mỗi phần 100 câu.
Phần nghe sẽ làm liên tục trong 45 phút và đĩa chỉ chạy 1 lần. Kinh nghiệm cho phần nghe: tập trung nghe là 1 chuyện, nhưng đừng căng tai + căng thẳng quá lúc đầu. Bởi độ khó của bài nghe tăng dần, nghĩa là càng về cuối đoạn hội thoại càng dài, càng nói nhanh và nhiều thông tin hơn. Vì vậy đoạn bạn cần tập trung cao độ là đoạn nghe về cuối chứ không phải đoạn đầu. Nếu ai mà căng thẳng chăm chú phần nghe đầu quá, đến lúc cuối của 45 phút chắc sẽ thấy mệt mỏi (nhớ là bạn sẽ nghe liên tục trong 45 phút) và không thể tập trung nghe tốt phần cuối (khó) được.
Phần 1 (có tranh): phần này dễ nhất, chỉ cần bạn có vốn từ khá một chút là có thể làm được ngon, vì không cần nghe hết cả câu vẫn đoán được câu nào đúng.
Phần 2 (không tranh): tập trung nghe được từ để hỏi là ổn. Phần lớn các câu, bạn chỉ cần biết nó hỏi “where”, “when” hay “who”… là bạn sẽ loại trừ được đáp án (phần lớn thôi, ko phải tất cả).
Phần 3 (hội thoại) và phần 4 (nghe đoạn văn) khó hơn vì phải trả lời nhiều câu trong cùng 1 đoạn băng. Trong lúc nghe phần này, tớ đã thử nghiệm một số phương pháp nghe như sau :
- Tập trung nghe hết đoạn băng rồi mới nhìn câu hỏi + phương án trả lời
- Xem qua câu hỏi nhanh rồi tập trung nghe hết đoạn băng rồi xem phương án trả lời
- Xem lướt qua câu hỏi và phương án trả lời rồi tập trung nghe băng
- Xem lướt qua câu hỏi rồi vừa nghe băng vừa xem phương án trả lời
(Ngoài ra tớ còn thử nhắm mắt nghe băng, mở mắt nghe băng…)
Và sau khi thử nghiệm hết thì … tớ quên béng mất là mình vừa thử cách nào với câu hỏi nào. Đùa vậy thôi, phương án nghe tốt nhất là xem thật nhanh câu hỏi để biết nó hỏi về cái gì trước, sau đó tập trung nghe rồi nhớ lấy ý liên quan đến câu hỏi, hoặc nghe đến đoạn liên quan đến câu hỏi thì vừa nghe vừa lướt qua câu trả lời.
À, nhắc luôn là bạn có thể nháp + ghi chú thẳng vào đề thi. Những đề thi này sau đấy có lẽ là bị tiêu hủy vì lý do bảo mật (từ “bảo mật” này được nhắc đến 3 hay 4 lần trong cả buổi).
Nghe là phần mệt nhất vì phải nghe liên tục, chưa kể nếu bạn không nghe kịp cũng ko có mấy thời gian để suy nghĩ vì băng đọc liên tục, dừng lại giữa mỗi câu khá ngắn. Vì vậy bạn nên: hoặc là đánh dấu hết vào đề trước rồi nghe xong chép lại đáp án sau (vì phần nghe và đọc làm liền nhau, mà đọc thì thường sẽ làm thừa thời gian), hoặc ghi thẳng đáp án vào bài làm, chứ đừng vừa ghi chú vào đề, lại ngay sau đấy hì hụi tô đáp án.
3 phần đọc thì không có gì nhiều để nói cả.
Phần 5 (điền từ): chủ yếu kiểm tra vốn từ của bạn. Đa số các câu trong phần này, kể cả bạn không biết nghĩa từ, nhưng đoán được loại từ của nó (danh, động, tính, trạng từ…) cũng vẫn làm được.
Phần 6 (tìm lỗi sai): có lẽ là phần phải nghĩ nhiều, vì nhiều câu nhìn mấy chỗ đều thấy sai. Thực ra nếu xem qua 4 lỗi sai 1 lượt, bạn sẽ thấy 1 lỗi sai một cách rõ ràng. Lúc đấy thì ko cần quan tâm xem xét 3 lỗi kia nữa cho dù nó có vẻ cũng sai.
Phần 7 (đọc hiểu): cách làm cũng tương tự phần 3 và 4: nên đọc câu hỏi trước để biết cần tìm thông tin gì, rồi khi đọc thì để ý.
Thường thì làm phần đọc bao h cũng xong trước giờ. Xong thì cứ ngồi yên đấy, vì bạn không được về trước giờ đâu, đừng mất công giơ tay hỏi. Trường hợp của tớ thì thừa tận 30 phút để ngồi xem lại toàn bộ bài. Và thật đáng mừng là trong 30 phút đấy tớ sửa lại được tận 3 chỗ.
Thi xong, bạn sẽ phải ngồi lại chờ các chị (một lần nữa) xem lướt qua bài thi từng người xem có thiếu thông tin gì không, rồi sẽ nhận được lời chúc “Chúc mừng anh chị đã hoàn thành bài thi TOEIC…”. Tớ để ý là cái chị nói liên tục này không mỉm cười từ đầu đến cuối buổi.
Thế thôi, đơn giản ấy mà, chúc các bạn ôn thi và thi tốt.
(Blog WZ)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 comments
Post a Comment